Vinagame: chuyển mình đầy khó khăn?

Rất nhiều luồng thông tin cho rằng Vinagame (VNG) đang đến giai đoạn "xuống cấp" khi lợi nhuận sụt giảm đến 75% và để lại cơ hội cho những công ty như Garena lên ngôi. Nhưng nếu nhìn một cách tích cực ta có thể thấy VNG đang trong 1 giai đoạn "chuyển mình" vô cùng quan trọng.

Nhắc đến VNG không thể không nhắc đến những sản phẩm game client (game cài đặt) đình đám một thời như: Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế, Chinh Đồ. Ngoài ra còn có các webgame nổi tiếng như: Gunny, Ngọa Long, Khu vườn trên mây hay nông trại vui vẻ. Nhưng tất cả các tựa game này đã qua thời hoàng kim của nó. Các game client đang thoái trào theo xu thế chung, trong khi Web Game dần nhường chỗ cho mobile game.

Hầu hết những thể loại game ăn khách hiện nay VNG đều không có được thị phần lớn như trước. E-sport bị Garena vượt mặt với Fifa Online 3 và Liên Minh Huyền Thoại, Mobile game đang thất thế trước Soha Game và VTC. Các mảng còn lại liên tục phải cạnh tranh với các công ty từ quy mô lớn đến bé, thậm chí cả những công ty làm game lậu. Ngay cả mảng phần mềm quản lý phòng máy cũng thua Gcafe của Garena. VNG đang "rơi tự do" trên thị trường game online?

Đừng vội vàng kết luận như vậy bởi thực tế E-Sport tuy là thể loại game bền vững nhưng lợi nhuận của nó không cao. Gần đây có một số liệu thống kê cho rằng thực tế chỉ có 3,75% của 70 triệu tài khoản Liên Mình Huyền Thoại trên thế giới bỏ tiền vào trò chơi này.Bởi nếu lạm dụng kiếm tiền trong game E-Sport nó sẽ mất đi tình công bằng vốn có. Hay như mảng phần mềm phòng máy Gcafe đối đầu với CSM của Garena. Rõ ràng Garena có lợi thế tiếp cận các phòng máy mới. Nhưng vẫn còn rất nhiều phòng máy có tiếng, lâu đời đang sử dụng CSM của VNG. Mảng game Client đang có dấu hiệu thoái trào trên thế giới nên việc đầu tư tiếp gần như không có quá nhiều lợi lộc. Còn những mảng có khả năng kiếm ra tiền cao như game mobile thì sao?

Bản thân việc phát hành game là một guồng quay. Ngay khi một tựa game đang có lãi, doanh thu cao thì một phần lợi nhuận này sẽ tiếp tục được quay vòng để chuẩn bị marketing, truyền thông cho một trò chơi mới. Bởi tuổi thọ của game online thường khá ngắn.

VNG hiểu quá rõ điều này hơn ai hết nên họ luôn hướng đến những giá trị bền vững hơn là các sản phẩm Internet như: Nội dung số, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội v..v… Có thể thấy rõ điều này qua hàng loạt các sản phẩm như Zini, Zing me, 123mua, Zing news, Zing Mp3... Tất cả các sản phẩm này là để xây dựng một hệ sinh thái bền vững như Google với Google chrome, Google mail, Android v..v… Hay như Apple với hệ sinh thái bao gồm cả thiết bị đầu cuối lẫn phần mềm. Đây là giấc mơ mà bất kỳ công ty công nghệ nào cũng ao ước bởi công nghệ thay đổi cực nhanh. Ví như Yahoo từng có thời thống trị Internet và rồi thất thủ trước Google, Facebook.

VNG vẫn luôn dùng một phần không nhỏ lợi nhuận từ game để đầu tư làm các sản phẩm Internet khác. Có điều đa số sản phẩm này đều thất bại, điển hình nhất là Zing me với số tiền khổng lồ đầu tư từ hạ tầng cho đến marketing sản phẩm này. Nếu để ý kỹ thời gian gần đây ta sẽ thấy VNG bắt đầu cắt bỏ những phần không hiệu quả. Ngừng dự án Zini, Facebook bán 123mua cho Sendo của FPT. Rõ ràng đây đều là những sản phẩm chưa tốt hoặc chưa thành công của công ty này. Thậm chí có rất nhiều sản phẩm không có tương lai, lãi không thể để bù lỗ.

Bên cạnh việc cắt bỏ các dự án này, VNG tối ưu lại các sản phẩm đang có. Rõ rệt nhất là sự thay đổi của Zing News, chất lượng bài cũng như giao diện của website này được cải tiến một cách rõ rệt. Cùng với đó là các sản phẩm như Zingmp3 có được sự đầu tư rõ nét hơn về công nghệ. Có thể đây sẽ là điểm giúp VNG vươn lên trong thời gian tới.

Không chỉ giảm cân để linh hoạt hơn trong mô hình, VNG cũng đã có những kế hoạch được vạch ra để chuẩn bị cho tương lai. Điển hình là Zalo, ứng dụng OTT ( Over The Top – cung cấp nội dung trên nền mạng viễn thông). Việc công ty này đổ dồn nguồn lực cũng như nhân lực cho ứng dụng này là để chuẩn bị cho làn sóng mobile, làn sóng đang làm thay đổi cả thế giới. Giới công nghệ Việt Nam đã từng chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của Line hay Kakao Talk. Không phải tự nhiên mà các công ty lớn lại cạnh tranh trong mảng này ( trong đó có cả các nhà mạng) bởi lẽ lợi thế mà nó mang lại rất lớn. OTT được ví như một cái nền móng, nếu như có nền móng rồi thì việc mang sản phẩm khác trên mobile ra bày bán sẽ rất dễ dàng.

Chính vì thế Zalo là một chiến lược vô cùng quan trọng của VNG. Rất có thể sau khi Zalo chiếm lĩnh được thị trường, VNG sẽ bắt đầu triển khai một loạt các sản phẩm di động khác, trong đó có cả game mobile. Bản thân Garena cũng nhận rõ điều này và hiện đang đầu tư mạnh để quảng cáo BeeTalk.

Sụt giảm lợi nhuận đến 75% là con số phản ánh chính xác về sự thoái vị của ông lớn VNG, nhưng nó phản ánh đúng thời điểm hiện tại bởi VNG đã và đang đầu tư phát triển theo những hướng mới. Tuy nhiên nếu nói việc này là một bước lùi để tiến 3 bước cũng chưa chắc đã đúng. Bởi VNG đã từng nếm trải những trái đắng như Zing Me trước làn sóng mạng xã hội hay 123mua trước làn sóng thương mại điện tử . Nhưng ít ra rằng công ty công nghệ này cũng nhận thấy mình buộc phải chuyển mình và hy vọng vào tương lai còn hơn ì ạch chấp nhận “số phận" khi công nghệ đang thay đổi theo từng ngày.

Theo game4v